Câu chuyện sạt lở của con sông Kênh Lộ ở xã Hiệp Phước, Nhà Bè qua lời chị Nguyễn Thị Chiếm ở khu bến đò Hiệp Phước cứ y như phim hành động.
Sạt rồi vá, vá rồi sạt
“Sông Kênh Lộ năm nào cũng sạt. Năm 2006, sau một đêm, con đường sau nhà tôi ngó ra bờ sông bị sóng giật mất chừng 5 m. Mấy hôm sau có một đội thi công tới đóng cừ tràm chỗ bị nước giật đó và đổ thêm đất lên trên. Tuy nhiên, chừng tháng sau thì cái bờ kè tạm cũng bị sụp luôn. Làm sao mà giữ được đất khi người ta đóng lửng chục mét trong khi tối đến là nước nó lên tới 17 m”.
“Sang năm sau, có một đoàn người chở máy móc, vật tư xuống xây luôn bờ kè. người ta hứa là có kè thì bà thủy cũng không dám ghé. Nhưng một đêm, tôi nghe cái ụp, nước đánh vào sâu tới tận sân nhà. Gần trăm mét kè nằm dưới đáy sông. Rồi người ta cũng xây xong bờ kè mới nhưng mấy tháng sau, con kè lại bị sóng giật toang hoác, lộ ra chừng 50 m vết nứt, ăn sâu vào kè mới 10 m. Mười ba gia đình khu vực này buộc phải di dời” - chị Chiêm nhớ lại.
Hơn hai năm sau vụ sạt lở xảy ra, 11 hộ dân dưới chân cầu Bà Sáu (ấp 2, Nhơn Đức, Nhà Bè) vẫn chưa quên. Anh Trương Văn Dũng kể: “Nước đánh mạnh vào bờ, lở cả một hàm ếch. Ngay sau đó, nơi đây được xây một bờ kè dài hàng trăm mét. Bà con ai cũng mừng. Nhưng hai hôm trước khi bờ kè hoàn thành thì nó lại sụp mất”. Vậy rồi ít hôm sau, người dân ấp 2 lại thấy một nhóm thợ tới... xây kè tiếp.
Không bị sạt lở dữ dội, có thể nguy hiểm đến tính mạng như các hộ ở sông Sài Gòn, Đồng Nai... nhưng các bờ bao ở các rạch vùng ven như rạch Đỉa, Ụ Ghe... ở quận Thủ Đức cũng thường xuyên bị sạt lở. “Chuyện cũ, nói hoài rồi! Đường Tam Bình những khi ấy nước tràn như biển. Chính quyền cử người mang cừ tràm tới đóng. Đóng rồi, triều lên, đê bao lại bị bể tiếp. Riết rồi quen!” - chị Lâm Hòa Thu, khu phố 2, phường Tam Bình, nói tỉnh rụi.
Địa phương mệt
Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, bộc bạch: “Rầu nhất là sạt lở hay xảy ra vào đêm. Khi tôi còn làm chủ tịch xã Hiệp Phước, đêm hôm khuya khoắt mà có tin báo sắp sạt lở là tôi phải cùng mấy anh công an, dân phòng đi dọn đồ đạc cho dân. Có những lúc để đảm bảo an toàn cho bà con, chúng tôi phải cưỡng chế di dời”.
Ông Mai Tuấn Bình, cán bộ phụ trách giao thông-thủy lợi phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, tâm tư: “Nhiều khi kè bị lở nhưng khó nhận biết vì nó lở kiểu hàm ếch, đứng trên bờ khó biết được lắm. Hiện phường Hiệp Bình Phước có 5 km bờ bao sông Sài Gòn, có một đoạn hơn 2 km nằm trong dự án, như vậy chúng tôi phải thường xuyên theo dõi 3 km bờ bao còn lại. Hôm nào nước không lên cao thì ngủ ngon, chừng nó lên cao thì lo ngay ngáy. Hầu hết sạt lở vào đêm từ 1 giờ đến 4 giờ sáng. giờ nào thì cũng phải bật dậy”.
Hình ảnh Chống sạt lở, cách nào? - Bài 1: Chắp vá bằng đóng cừ, đổ đất số 2
Tháng 12-2008, bờ bao ở rạch Đỉa, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức bị bể. Dân, quân và địa phương đã phải bỏ công sức, tiền của đóng cừ, đắp bao cát để gia cố tạm. Ảnh: VĂN THUẬT
... Nhưng không ăn thua!
Theo Ban quản lý dự án khu đường sông, hiện tại TP.HCM có 21 dự án chống sạt lở đường sông đang được lập kế hoạch, triển khai thi công và chuẩn bị đầu tư.
Từ quý IV-2008 đến nay, thành phố mới triển khai thi công được ba trong số bảy dự án phòng chống sạt lở bờ sông trong năm 2009. Trong đó, chỉ có công trình chống sạt lở kênh Thanh Đa có chiều dài 478 m với tổng vốn đầu tư gần 41 tỷ đồng đã được hoàn thành, còn lại hai dự án chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Phước Long, xã Phước Kiểng và khu vực cầu Rạch Tôm, xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) mới thi công được gần phân nửa. Tổng vốn đầu tư của hai công trình này là 31 tỷ đồng.
Theo Sở GTVT, thành phố mới có 18 công trình kè chống sạt lở với tổng chiều dài khoảng 12 km trong khi trên địa bàn đang có 62 điểm có nguy cơ sạt lở đất khoảng 53 km, tăng gần gấp hai so với năm 2008. Nghiêm trọng nhất tập trung ở ven các sông thuộc huyện Nhà Bè và khu bán đảo Thanh Đa, Bình Thạnh.
Tuy nhiên, “xây công trình chống sạt lở tại vài chục km là việc phải làm cho người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là việc ứng phó tạm thời. Chúng ta phải có một cái nhìn toàn diện: Khắc phục sự cố sạt lở bằng các nghiên cứu về các nguyên nhân cụ thể, từ đó mới có thể nắn, trị thủy con sông này” - ông Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM, nói.
Lưu ý của ông Sanh cũng là tâm tư của các cơ quan chức năng và các nhà khoa học. Một đề án chống sạt lở toàn diện đang được hoàn thiện.
Theo Phapluattp.vn
C6, Nguyễn Văn Kỉnh,Phường Thạnh Mỹ Lợi,Quận 2,TP.HCM.
Email: vatlieuxaydungphongphu@gmail.com
Website: https://xaydungphongphu.com
Phone: 090 499 8181
Hãy để địa chỉ email của bạn để nhận thông tin mới nhất từ chúng tôi.